Bạn nghe từ NFT cũng nhiều rồi nhưng có bao giờ bạn thắc mắc nó có giá trị gì không? Tại sao có NFT giá hàng triệu đô mà có NFT không có giá nào cả. Liệu rằng giá trị nó đang được thổi phồng bởi các nhà đầu tư hay có gì ở phía sau?

Trước đây thì các tài sản kỹ thuật số như 1 hình ảnh, 1 bài nhạc, 1 đoạn phim rất khó xác định chủ sở hữu thực sự. NFT là viết tắt của Non-fungible Token, có nghĩa là loại token có tính độc nhất và không thể bị thay thế. Nói cách khác nó có mã định danh riêng được lưu trữ trên blockchain và chỉ thuộc về duy nhất chủ sở hữu nó. Và bất kỳ ai cũng có thể tìm ra người đang sở hữu NFT đó (đương nhiên là tìm thấy dưới dạng 1 dãy số, ký tự).

Để tóm gọn thì những thuộc tính nổi bật của NFT là:

  • Quyền sở hữu
  • Tính độc nhất
  • Số lượng có hạn
  • Minh bạch
  • Bảo vệ bản quyền
  • Bảo mật danh tính

Chính vì điều này cho nên ban đầu NFT được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực nghệ thuật. Khi mà các nghệ sĩ, họa sĩ, ca sĩ sử dụng để token hóa các sản phẩm của mình và biến chúng trở thành duy nhất. Hay nói cách khác họ sử dụng để bán các sản phẩm nghệ thuật kỹ thuật số.

Tương tự như các sản phẩm kỹ thuật số đã được bán trước đây trên internet như game, phim, tranh ảnh,… Thì thị trường này cũng vậy, ví dụ đã có 1 người đã trả 6.6 triệu đô la cho 1 video NFT của Beeple, hoặc 1 bức tranh của Beeple cũng được bán với giá 69 triệu đô la.

Thậm chí có nhiều nghệ sĩ vô danh nhưng họ đã trở nên giàu có, nổi tiếng chỉ thông qua việc bán tác phẩm thông qua NFT.

Nói đến đây thì NFT sẽ giống như một sản phẩm nghệ thuật mua về để sưu tầm giống như bức tranh cổ Mona Lisa chẳng hạn. Hoặc cũng có thể ví như một sản phẩm mua về và kỳ vọng giá trị nó sẽ tăng trong tương lai khi mà chỉ có tác phẩm duy nhất, cũng như có chứng nhận quyền sở hữu.

Và các thương hiệu lớn, những bên nổi tiếng như Marvel tung ra NFT của riêng họ, dường như nhắm đến những nhà sưu tập truyền thống hơn là những người đam mê tiền điện tử. Hoặc như Adidas tung ra NFT số lượng có hạn kèm theo với sản phẩm vật lý ngoài đời. Như vậy bạn có thể thấy NFT nó đã một phần có giá trị thực tế trong việc lưu trữ nghệ thuật lên phương diện kỹ thuật số.

Câu chuyện thứ 2 NFT được xây dựng đó chính là như một thẻ thành viên tham gia cộng đồng của nhà tạo lập xây dựng lên. Một trong những dự án điển hình cho câu chuyện thứ 2 này là bộ NFT của Bored Ape được bán với giá hàng triệu đô la.

Ví dụ bất kỳ ai có thể chứng minh rằng họ sở hữu một NFT Bored Ape đều được chào đón vào một cộng đồng Discord riêng tư, nhận lời mời tham gia các sự kiện xã hội và kết nối với những chủ sở hữu BAYC khác – bao gồm cả những người nổi tiếng như Snoop Dogg, Paris Hilton, Stephen Curry, Eminem.

Giống như câu chuyện chi 4,5 triệu USD để ăn trưa với Warren Buffett vậy. NFT bây giờ như một tấm vé để bạn có thể hưởng những ưu đãi từ cộng đồng phía sau. Giá trị mang lại cộng đồng càng lớn thì giá trị của NFT càng cao vì nó chỉ có giới hạn số lượng.

Mở rộng hơn thì việc sở hữu NFT bạn có thể tham gia vào quyền đầu tư, quyền sở hữu công ty, biểu quyết quyết định định hướng dự án, truy cập vào metaverse, nhận được cơ hội đầu tư mới, chương trình đặc biệt,…

Một ứng dụng cũng khá phổ biến đối với NFT là giá trị kỳ vọng (hay nói cách khác là đầu cơ). Tức là chưa cần biết dự án này sẽ ra sao, hiện tại cũng chưa có gì rõ ràng (đôi khi chỉ đơn giản là hình meme) – hầu hết mọi nhân viên bán NFT đều hứa rằng token của họ sẽ là một phần của trò chơi hoặc metaverse (nhưng không xảy ra). Và đôi khi những nhà tạo lập họ kết nối được với người có tầm ảnh hưởng nào đó (hoặc bằng cách marketing nào đó) rồi thu hút được nhiều người tham gia. Họ mua NFT với kỳ vọng rằng mình đang sở hữu 1 thứ sau này có thể tăng giá để bán chênh lệch kiếm lời.

Chẳng hạn như CryptoPunks có một bộ sưu tập gồm 10.000 hình ảnh hoạt hình pixel. Ban đầu được phát miễn phí, sau đó chúng đã tăng vọt về giá trị bán lại với tác phẩm đầu bảng đạt 23,7 triệu đô la vào tháng 3.

Lấy ví dụ của Crypto Skulls, một bộ sưu tập không được đánh giá cao kể từ khi được tạo ra vào năm 2017 – cho đến khi 1 người có ảnh hưởng NFT quét sàn, tạo ra một làn sóng mạnh làm cho giá sàn đạt 4 ETH trong vòng 24 giờ.

Hoặc một ứng dụng được ưa chuộng trong những năm gần đây đó là GameFi. Việc bạn sở hữu NFT là cách bạn tham gia vào trò chơi, có thể là giải trí, có thể giao dịch và có thể cũng kiếm được tiền. Như ứng dụng StepN thì bạn cần sở hữu NFT Sneaker thì mới có thể chạy bộ ra đồng token thưởng được, hoặc sở hữu những đôi giày đặc biệt bạn còn có nhiều quyền lợi hơn nữa.


Cho bạn nào chưa biết thì mới gần đây thì Cristiano Ronaldo đã chính thức hợp tác với Binance trong mảng NFT. Ngoài ra còn nhiều ứng dụng của NFT nữa như ảnh dưới mình có để bạn có thể tham khảo như vé tham gia sự kiện, khoản thế chấp bất động sản, token hóa các đồ vật thật, tên miền, thẻ giao dịch điện tử, đặt cược NFT để đổi lấy token,…

NFT

Điều mà các thương hiệu truyền thống mong muốn làm đó chính là mở rộng giá trị thương hiệu đến với nhiều người tiêu dùng hơn. Cho nên việc hợp tác với các dự án blockchain hoặc phát triển NFT riêng giúp thương hiệu bỏ qua rất nhiều rào cản như: khoảng cách địa lý, chi phí liên quan,… mà vẫn thu hút được một lượng người rất lớn.

Khi nhu cầu về các tiện ích xung quanh NFT càng phổ biến thì NFT sẽ ngày càng có giá trị. Tóm lại bạn cứ hiểu đơn giản là sản phẩm kỹ thuật số, nói NFT cho sang nhưng nó độc nhất và xác định được quyền sở hữu của bạn – đây chính là điểm khác biệt so với các sản phẩm số thông thường.

Trong thế giới tiền điện tử, nơi nhiều người tham gia một phần hoặc hoàn toàn ẩn danh. Khủng hoảng niềm tin ở một dự án có thể xảy ra nhanh chóng, điều đó có nghĩa là những nhà tạo lập phải thông báo thường xuyên và minh bạch về cách họ dự định phát triển dự án NFT. Và chính bạn cũng phải là người tự trang bị cho mình những kiến thức khi tham gia ở thị trường mới sơ khai này.

Hy vọng bạn đã hiểu thêm về những giá trị NFT. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.

By Cường Dizi – from Titan Bros