Chắc bạn đã từng nghe qua về Tokenomics – đây là 1 từ được ghép bởi 2 từ Token (tiền mã hóa) và Economics (kinh tế học) – như vậy Tokenomics là nền kinh tế của đồng tiền mã hóa. Thế tại sao lại cần Tokenomics?

Bạn cứ thử tưởng tượng là nếu bạn có 1 chiếc máy in tiền thì in bao nhiêu mà chẳng được đúng không. Nhưng trong thực tế thì số lượng tiền đang lưu thông tăng lên và hàng hóa không tăng lên tương ứng sẽ xảy ra tình trạng lạm phát (đương nhiên có một số nguyên nhân khác như chi phí đẩy, cầu kéo,.. nhưng tạm thời mình muốn đơn giản hóa để dễ hiểu). Lạm phát về cơ bản được hiểu là sự giảm giá trị hay sức mua giảm của một loại tiền tệ nào đó.

Cái máy in tiền đấy một lần nữa lại xuất hiện trong thế giới play to earn. Khi mà người chơi được thưởng tiền mã hóa khi tham gia thực hiện một yêu cầu nào đó của nhà phát hành – ở StepN hiện tại là đồng GST, sau này sẽ được thưởng đồng GMT khi đi/chạy bộ nữa.

Và mô hình này được nhiều người xem như Ponzi. Ponzi bạn hình dung đơn giản là lấy tiền người sau trả cho người trước. Charles Ponzi là người đã thực hiện kế hoạch này vào những năm 1920 và thu về gần 20 triệu đô la (~ 258 triệu đô la ngày nay). Mô hình này không bền vững bởi vì khi không còn người tham gia nữa thì sẽ sụp đổ.

Axie Infinity vào năm 2021 đạt khối lượng giao dịch lên tới 3.5 tỷ đô (chiếm hơn 2/3 khối lượng giao dịch của tất cả các game blockchain thời điểm đó). Với rào cản gia nhập tương đối nhưng tiềm năng thu lợi nhuận cao cho nên nhiều người tham gia là điều không thể tránh khỏi. Nhưng khi lượng người chơi mới tăng quá nhanh nhưng Axie không có phương án kịp thời cho mô hình kinh tế để kiềm chế lạm phát => Từ đó nhu cầu sử dụng đồng Token giảm kết hợp với áp lực bán Token từ số lượng người chơi ngày càng tăng dẫn đến Axie đã không còn giữ được thời kỳ huy hoàng của nó. Như vậy về mặt lý thuyết thì đây đúng là mô hình Ponzi, nhưng liệu có cách khắc phục điều đó? Và StepN liệu có phải hoàn toàn là Ponzi?

Tokenomics Trong StepN

Một Tokenomics tốt là một mô hình kinh tế có thể duy trì được cung cầu về đồng Token một cách ổn định. Đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng dẫn đến sự thành công lâu dài của dự án.

Như mình đã nói ở các bài trước StepN sử dụng đồng token kép: GMT và GST mục đích là vừa đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư, vừa đảm bảo lợi ích cho người tham gia.

Chúng ta hãy xem những hình thức cung và cầu của 2 đồng token GST và GMT nhé.

Mua token khi (nguồn nhu cầu):

+ Người chơi mới tham gia game cần mua GST, GMT để nâng cấp Lv giày.

+ Người chơi muốn tăng giày để tăng e (năng lượng) thì có thể mua giày mint 0 về và thực hiện sử dụng GST, GMT để mint giày (rẻ hơn mua trực tiếp trên chợ).

+ Trader hoặc nhà đầu tư kỳ vọng vào đồng token (vào dự án) tăng cho nên mua vào.

+ Người chơi mua để sử dụng các tính năng khác: nâng cấp Gem, đốt giày, thay đổi skins, mở box, phân phối lại điểm, tăng tỷ lệ các thể loại,…

Bán token khi (nguồn cung cấp):

+ Người chơi sau khi chạy được thưởng token thì muốn bán token để rút tiền mặt (sau khi đã nâng giày lên mức họ mong muốn, vd như giày common thì hầu như lên lv 9 là dừng nhiều)

+ Trader hoặc nhà đầu tư đã thỏa mãn và bán ra.

Nguồn cung cấp luôn luôn có bởi ngày nào cũng có người chạy bộ mong muốn kiếm ra đồng GST. Cho nên StepN cần đưa ra nguồn nhu cầu token đủ hấp dẫn để cả người cũ lẫn người mới đều muốn sử dụng.

Đợt tăng bùng nổ của đồng GST vào thời điểm cuối tháng 4 khi giá lên tới tận nóc $9.03. Khả năng cao là đúng vào thời điểm GST được niêm yết trên sàn coinbase, điều này thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư, đầu cơ thực hiện mua đồng token này (thời điểm này thì dự án StepN đang rất hot so với các game khác).

Giá GST tăng mạnh là niềm vui của những người chạy ra GST để rút tiền. Nhưng lại là niềm đau của những người muốn sử dụng để đúc giày, nâng cấp giày và các tính năng khác tại thời điểm đó :)). Hơn nữa người chơi mới tham gia cũng có khả năng bị đu đỉnh, vì họ không biết thời điểm họ vào có phải thời điểm hợp lý hay không (chỉ số ít trước khi tham gia đã nghiên cứu, trao đổi cộng đồng thì mới tránh được rủi ro này). Để giá GST neo tại giá $9 rất khó, vì lúc này cung cầu nó không phải sinh ra trực tiếp từ nền kinh tế trong game mà là từ các yếu tố bên ngoài, mà các yếu tố này lại không ổn định.

Để StepN Hoạt Động Tốt?

StepN hoạt động tốt là khi phải đảm bảo lợi ích người đang sử dụng, lẫn cả người chơi mới sẽ tham gia. Vậy StepN đã và sẽ làm gì để duy trì sự cân bằng này?

Trong những ngày đầu tiên StepN đã thực hiện sự kiện tăng gấp đôi thu nhập GST kéo dài 1 tuần để đưa giá GST nằm ở mức ổn định. Tiếp theo vào thời điểm giá GST tăng lên tận $9 họ đã đưa thêm đồng GMT vào việc mint giày (để chi phí là 50:50) để hạ nhu cầu của GST xuống, và biện pháp này đã đạt hiệu quả tốt. Hoặc sự kiện double box giúp cân bằng nguồn cung giày.

Vừa mới đây họ đã thực hiện áp dụng chi phí mint giày dựa vào biến động của đồng GST để đảm bảo ổn định đồng token này. GST càng giảm thì càng cần được ưu tiên sử dụng để tăng nhu cầu lên từ đó giá GST tăng lên và ngược lại. Điều này khiến cho đồng GST khó có thể tăng vọt lên hay giảm mạnh xuống mà không có điều chỉnh kịp thời như đợt vừa qua (mình đang nói trong giai đoạn bình thường chứ không phải downtrend cả thị trường lúc này nhé).

Trong trường hợp giá GST giảm xuống ngay cả khi hoạt động đúc giày đang mạnh thì họ đã đưa ra một giải pháp khác (bản update tiếp theo) đó là sử dụng GST (hoặc có thêm GMT) để đốt giày rác để tăng điểm/ tăng phẩm chất giày. Việc đốt giày thể thao nếu nhìn qua thì là sử dụng GST làm tăng nguồn cầu của nó (thêm cơ chế đốt, giá GST tăng lên), nhưng nếu bạn để ý kỹ hơn thì việc đốt giày sẽ làm giảm lượng giày có trên chợ => Tăng nhu cầu mua giày => Giá giày tăng => Người chơi khác lại muốn sử dụng GST để mint (đúc) ra thêm giày để bán kiếm lời => GST tăng thêm tiếp.

Việc phát hành giấy phép đúc giày (minting scrolls) cho lần update tới (cho phép buôn bán trao đổi loại giấy này bằng GMT) cũng sẽ giảm lượng giày trên chợ => Khiến giá GST tăng. Và nếu GST tăng họ lại đẩy thêm vào phí GMT để giảm GST xuống (là việc áp dụng chi phí mint theo biến động GST). Thậm chí bây giờ tỷ lệ giày/ user mới khoảng 0.6 mà họ đã đi trước như vậy rồi :)) Xịn quá ý nhở. Hoặc về sau không chỉ có lv30 mới earn được GMT mà giày lv thấp hơn sau khi gắn 1 tính năng nào đó có thể earn được GMT từ đó giảm lượng cung GST và khiến giá nó tăng cân bằng trở lại. Hoặc giày không chỉ dừng lại ở lv30 mà 40, 50?

Lý do mình bảo sẽ có nhiều tính năng nữa cho game cũng như giày có thể nâng cấp thêm, hoặc có các vật phẩm khác là bởi nếu game nào mà việc lên cấp tối đa quá nhanh (hoặc dừng lại) thì sẽ khiến người chơi chán và chỉ muốn rút tiền. Ví dụ như một số game có lượng người chơi cao nhất, lý do nó hấp dẫn là bởi bạn phải mất hàng năm trời mới đạt đến cấp độ tối đa của trò chơi này, mà cái gì càng bỏ thời gian càng nhiều thì càng gắn bó lâu. Điều này có nghĩa là người chơi StepN cần thấy sự hấp dẫn trong việc đốt token để nâng cấp giày, đốt giày, mint giày hoặc các tính năng khác.

Đến đây mình muốn quay lại khái niệm Ponzi là tiền người sau trả cho người trước, tức là người tham gia trước luôn luôn được lợi. Nhưng nếu bạn để ý thì trong StepN có rất nhiều cách thức khác khiến cho người đang tham gia cũng có thể mất tiền chứ không phải cứ tham gia sớm thì luôn có lợi như có: tỷ lệ mint giày, tỷ lệ mở giày, tỷ lệ nâng cấp gem, và các tỷ lệ khác nữa,… :)) Ví dụ như mint 2 đôi uncommon ra box common hoặc mở box rare ra common. Mất tiền nhiều chứ đùa :)) Nhưng những tính năng này vẫn có sức hút khó cưỡng của nó khiến nhiều người sử dụng. Mà nếu để nói tới những người chỉ mua giày để chạy thôi thì cũng có lợi thật :v

Đấy, mình nghĩ StepN sẽ đưa ra rất nhiều cách để đảm bảo nền kinh tế. Còn StepN sẽ đi đến đâu, bạn cần cân nhắc, suy nghĩ thời điểm vào hay ra thì có thể tìm đọc các bài viết trước của mình để tham khảo thêm, cũng như tự nghiên cứu, phản biện nhé. Vì suy cho cùng chúng ta không thể đoán trước được điều gì cả. Điều quan trọng để giúp bạn hạn chế rủi ro là theo sát những thay đổi của StepN hàng tuần (theo dõi mình để cập nhật nhá) cũng như AMA của họ và đánh giá xem nó ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế trong game (vd như hình thức cho thuê giày sẽ có tác động lớn tới nền kinh tế), từ đó phân tích để đưa ra những quyết định phù hợp. Chứ mình thấy việc lo lắng mà không biết lý do vì sao hoặc không tìm hiểu gì dễ đau đầu lắm :))

Có 1 cơ chế mà StepN dự kiến áp dụng là the bonding curve mechanisms (cơ chế đường cong liên kết). Cơ chế này có thể dùng để cân đối nguồn cung các vật phẩm trong game từ đó đảm bảo giá trị đồng token. Đường cong liên kết có thể sẽ gắn với việc earn GST hoặc các thể loại chi phí trong game, ví dụ như đồng GST tăng thì các chi phí sẽ giảm, earn sẽ giảm và ngược lại. Như cách mà StepN vừa công bố chi phí mint giày theo biến động giá GST (bạn có thể hiểu tương tự) hoặc về sau có thể điều chỉnh tỷ lệ rơi ra cuộn mint để kiểm soát nguồn cung giày. Hoặc người chơi mới tăng quá nhanh thì hạn chế mã kích hoạt lại, kiểu kiểu vậy.

Đương nhiên suy cho cùng trên lý thuyết là vậy, thực tế nó còn bị tác động rất nhiều thứ khác, đơn cử như Bitcoin giảm mạnh là kéo theo lũ lượt rơi xuống hồ (may là GST biết bơi chút chút :v). Và tuy rằng việc có những thay đổi đột ngột bất chợt từ phía team StepN cũng khiến cho người dùng không xoay xở kịp (và team cũng thừa nhận rằng họ không mong muốn điều này), nhưng để mà nhìn nhận khách quan thì mình đánh giá tích cực sự theo sát của họ về dự án. Đôi khi không phải cứ nói gì hay ho là tốt, điều quan trọng là kết quả những việc họ làm ảnh hưởng tới đâu.

Trích 1 đoạn từ Medium của StepN:

“Tăng trưởng người dùng tại STEPN không phải là một thách thức ở giai đoạn này. Với trường hợp tương tác trong thế giới thực và tập trung vào cộng đồng, StepN tìm kiếm sự áp dụng trên diện rộng. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với chúng tôi là để sự tăng trưởng này được bền vững. Chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo rằng GST và GMT luôn ổn định để chúng tôi có thể gia tăng giá trị cho hệ sinh thái về sau này.”

Kết Luận

Nói đến đây thì mình muốn nhắc thêm 1 khía cạnh nữa. Mình hiểu rằng chúng ta vì tiền mới tham gia, nhưng mình không thể phủ nhận được những giá trị tích cực vô hình lẫn hữu hình mà StepN mang lại. Chúng ta kiếm tiền cũng là để có một cuộc sống tốt hơn, nếu StepN chưa nói đến chuyện tiền bạc thì nó đã giúp bạn và mình rất nhiều thứ nhỉ: vận động hàng ngày, sức khỏe thể chất lẫn tinh thần tốt hơn, kết nối với nhiều người, giúp đỡ những người mới, chia sẻ nhiều trải nghiệm như ăn uống, thời tiết, địa điểm, cách vận động,…

StepN nó thực sự đang dần xây dựng được 1 cộng đồng với văn hóa lành mạnh chứ không đơn thuần là 1 trò chơi nữa. Kiểu là một game mình muốn giới thiệu cho bạn bè, người quen, chứ như các trò khác thì ko biết giới thiệu kiểu gì :v. Mà cộng đồng là thứ luôn bền vững nhất dù cho lĩnh vực nào. Thậm chí sau này họ mà bí ý tưởng thì cộng đồng sẽ luôn sẵn sàng đóng góp công sức vào đó.

Thêm nữa như mình có đề cập ở bài viết trước thì mình có nghĩ rằng khi cộng đồng StepN đủ lớn (user không tăng nhiều nữa) thì họ có thể tạo ra doanh thu từ nhiều nguồn khác như tài trợ từ các nhãn hàng, chiến dịch quảng bá,… để hỗ trợ cho nền kinh tế trong game.

Fact cho bạn nào đã dành thời gian đọc đến đây ^^:

Scott Dunlap (1 trong những cố vấn của StepN) là Tổng giám đốc/ Giám đốc điều hành tại Adidas Runtastic (một công ty con của Adidas), ông đồng thời giữ chức VP (phó chủ tịch) của Adidas. Adidas Runtastic (Adidas đã mua lại Runtastic vào năm 2015) là công ty tạo ra ứng dụng chạy bộ adidas Running và tập luyện adidas Training. Với mong muốn có 1 tỷ người sử dụng ứng dụng, hiện tại số lượng người đăng ký sử dụng là 182 triệu người, số lượng tải trên Appstore là 341 triệu người (điều này là lợi thế lớn khi họ có nhiều dữ liệu về tập luyện, thói quen, động lực). Bạn tự phân tích và suy nghĩ tiếp nhá :3

Nếu có phần nào thắc mắc có thể để lại dưới phần bình luận ha, còn chủ đề nào muốn mình nghiên cứu cũng ới luôn nhé :)) Bạn có thể giúp mình chia sẻ với người khác đọc để mình có động lực viết thêm nhá :>

P/s: Thực ra bài viết này chưa đủ toàn diện về Tokenomics vì nó còn bao hàm nhiều thứ khác: Phân bổ token, Token quản trị dùng vào đâu, Token sale,… tạm thời mình không đi sâu vì dễ bị rối não nên sẽ để khi khác nha. Nếu bài viết này hơi nặng kiến thức thì bạn nên đọc các bài viết trước của mình nhé :3 Yên tâm dễ hiểu lắm.

By Cường Dizi – Titan Bros

Tham gia trao đổi StepN tại nhóm Telegram bạn nhé: https://t.me/titanrun

Đọc thêm các bài viết khác:

Những Gì Bạn Cần Biết Về StepN (Newbie)

Phía Sau Dự Án StepN Có Gì Đặc Biệt?

Đánh Giá Rủi Ro Game StepN Dựa Trên Số Liệu

Giá Trị Của StepN Nằm Ở Đâu?